Viêm da cơ địa ở trẻ em: Nhận biết và điều trị hiệu quả, an toàn

5/5 - (1 bình chọn)

Viêm da cơ địa ở trẻ em, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh làm da trẻ khô, nứt nẻ, bong tróc, sưng tấy, đỏ rát… Các triệu chứng này kéo dài dai dẳng làm trẻ khó chịu, quấy khóc thường xuyên. Vậy nguyên nhân trẻ bị viêm da cơ địa là gì và làm thế nào để điều trị cũng như phòng ngừa bệnh tái phát? Cha mẹ hãy cùng tìm hiểu thêm thông tin dưới đây về viêm da cơ địa.

Viêm da cơ địa ở trẻ em
Viêm da cơ địa ở trẻ em

1. Viêm da cơ địa ở trẻ em là gì?

Viêm da cơ địa hay còn có tên là bệnh chàm sữa ở trẻ. Đây là một bệnh da liễu hay gặp ở trẻ em, các triệu chứng thường tồn tại dai dẳng, kéo dài. Bệnh cũng khó điều trị dứt điểm và hay tái phát nhiều lần. Ngoài ra, trẻ bị viêm da cơ địa thường hay mắc cả hen suyễn và sốt cỏ khô. 

Trên thế giới, tỷ lệ mắc viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ là khoảng 10-30%, trong khi đó tỷ lệ này ở Việt Nam rơi vào khoảng 26%. Bệnh thường khởi phát sớm với hơn một nửa số ca mắc khởi phát trong năm đầu đời của trẻ. Phần lớn trường hợp bệnh sẽ ổn định sau khi trẻ được 2 tuổi. Có nhiều trẻ có thể mắc bệnh đến tận lúc trưởng thành nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. 

2. Dấu hiệu nhận biết bé bị viêm da cơ địa

Các dấu hiệu nhận biết viêm da cơ địa ở trẻ em có thể xuất hiện khá đa dạng và khác nhau với mỗi trẻ. 

Triệu chứng viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh

Những triệu chứng sau đây thường biểu hiện rõ rệt ở trẻ sơ sinh:

  • Xuất hiện tổn thương hình móng ngựa trên các vùng da như trán, miệng, cổ, người, chân, tay
  • Vùng da bị tổn thương có nhiều mụn nước nhỏ, chảy dịch
  • Phù nề da, trẻ thấy đau, ngứa ngáy
  • Vùng tổn thương sau một khoảng thời gian sẽ đỏ lên, khô lại và bong tróc 

Triệu chứng viêm da cơ địa trẻ em

Những dấu hiệu sau đây thường dễ nhận biết ở trẻ lớn:

  • Vùng da bị tổn thương thường là đầu gối, khuỷu tay, nếp gấp chân tay
  • Mẩn ngứa, thường nặng hơn vào ban đêm
  • Da khô ráp, dày lên, nứt nẻ
  • Vùng da tổn thương mẩn đỏ khi mới khởi phát, sau một thời gian chuyển thành màu nâu xám
  • Xuất hiện mụn nước li ti ở vùng tổn thương, sau đó chảy dịch và đóng vảy. Nếu bé gãi nhiều và vết thương không được vệ sinh sạch sẽ có thể làm vùng da này bị viêm, loét và xuất hiện mụn mủ.
Viêm da cơ địa ở trẻ em có liên quan đến cơ địa dị ứng
Viêm da cơ địa ở trẻ em có liên quan đến cơ địa dị ứng

3. Nguyên nhân trẻ bị viêm da cơ địa

Viêm da cơ địa ở trẻ em có liên quan đến cơ địa dị ứng. Làn da trẻ bình thường sẽ có một lớp ngoài cùng bảo vệ da khỏi bị khô, mất nước cũng như bao vệ da khỏi các tác nhân môi trường. Ở trẻ mắc bệnh, lớp bảo vệ này bị tổn thương nên da bị khô, mất nước và các tác nhân bên ngoài như vi khuẩn, virus dễ dàng xâm nhập gây mụn nước, mẩn ngứa.

Lớp hàng rào bảo vệ da này có thể bị tổn thương do các nguyên nhân như:

Thời tiết, môi trường

Làn da có thể bị tổn thương do các tác nhân kích thích từ môi trường như các hóa chất, chất tẩy rửa mạnh, bụi bẩn hay khi môi trường bị ô nhiễm. Đặc biệt, làn da của trẻ mỏng manh hơn người lớn nên các hóa chất trong các sản phẩm tẩy rửa như nước rửa chén, nước giặt hay đôi khi là xà phòng tắm cũng có thể làm tổn thương da của trẻ. 

Các hóa chất tạo mùi, tạo màu trong các sản phẩm trên cũng có thể làm trẻ bị viêm da cơ địa. Cha mẹ cũng nên lưu ý tuân thủ chỉ định của bác sĩ và không tự ý bôi các loại kem dưỡng hay thuốc không được chỉ định cho trẻ do chúng có thể làm da bị kích ứng nặng hơn.

Dị ứng

Do viêm da cơ địa liên quan đến cơ địa dị ứng nên các tác nhân gây kích ứng như lông động vật, phấn hoa hay các loại thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản cũng có thể làm khởi phát bệnh, đặc biệt nếu trẻ có tiền sử dị ứng với các tác nhân dị ứng trên. 

Vì vậy, cha mẹ nên lưu ý các loại thực phẩm gây dị ứng cho con và vệ sinh nhà cửa thường xuyên, sạch sẽ. Loại bỏ các tác nhân này khỏi môi trường sống cũng giúp hạn chế bệnh tiến triển và tái phát lại sau khi trẻ đã được điều trị khỏi.

Các loại thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản cũng có thể gây viêm da cơ địa ở trẻ em
Các loại thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản cũng có thể gây viêm da cơ địa ở trẻ em

Di truyền

Trẻ có nguy cơ mắc viêm da cơ địa cao hơn nếu người trong gia đình có tiền sử mắc căn bệnh này. Mẹ bị viêm da cơ địa khi mang thai thì nhiều khả năng bé cũng bị bệnh.

4. Viêm da cơ địa ở trẻ em có nguy hiểm không?

Bệnh có thể xuất hiện những biến chứng từ nhẹ tới nặng. Trẻ bị viêm da cơ địa có thể thấy quấy khóc, ăn ngủ không ngon do da ngứa ngáy, khó chịu, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển về sau của trẻ. 

Trẻ sơ sinh bỏ ăn làm da của các bé càng yếu đi, da có thể bị bội nhiễm làm tình trạng viêm trầm trọng hơn. Đối với trẻ lớn, da có mụn nước, mẩn ngứa làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ, các bé dễ bị trêu trọc và trở nên tự ti, thu mình.

Viêm da cơ địa không gân nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Tuy nhiên nếu bệnh không được điều trị đúng cách có thể tái phát nhiều lần, làm tổn thương da vĩnh viễn và để lại sẹo. Nhiều cha mẹ sử dụng các loại kem bôi hoặc thuốc không rõ nguồn gốc cho con có thể gây hoại tử da nếu các loại thuốc này được sử dụng không đúng cách.

5. Điều trị viêm da cơ địa ở trẻ

Điều trị viêm da cơ địa ở trẻ tập trung vào việc loại bỏ các triệu chứng như ngứa da, khô da và giảm tình trạng nhiễm trùng da. Bên cạnh dùng thuốc Tây y theo chỉ định của bác sĩ, cha mẹ cũng có thể tham khảo các kinh nghiệm dùng thuốc trong dân gian để hỗ trợ điều trị.

5.1. Dùng thuốc Tây y

Có 2 loại thuốc thường được sử dụng để điều trị viêm da cơ địa ở trẻ em đó là các loại thuốc giảm ngứa và các loại thuốc chống dị ứng, tuy nhiên khi sử dụng cần có chỉ định của bác sĩ. 

Tùy theo tình trạng da của trẻ, bác sĩ sẽ quyết định kê đơn dùng thuốc giảm ngứa đường bôi hay đường uống. Với các loại kem chống ngứa, nên thoa chúng sau khi dưỡng ẩm với tần suất 2 lần/ngày. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể kê thêm các loại thuốc chống dị ứng như thuốc kháng histamin hay các loại corticoid. 

Cha mẹ cũng có thể sử dụng các loại lá như lá trầu không, lá khế hay chè xanh cho trẻ
Cha mẹ cũng có thể sử dụng các loại lá như lá trầu không, lá khế hay chè xanh cho trẻ

5.2. Kinh nghiệm chữa viêm da cơ địa cho bé

Cha mẹ cũng có thể tham khảo các kinh nghiệm chữa viêm da cơ địa cho trẻ theo dân gian với các loại lá như lá trầu không, lá khế hay chè xanh… Các loại lá tắm chữa viêm da cơ địa này có ưu điểm là lành tính, giá thành rẻ, dễ mua, an toàn và còn có thể giảm ngứa cho trẻ bên cạnh tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh. 

Cha mẹ cần lưu ý lựa chọn các loại thảo mộc tươi và không nhiễm thuốc trừ sâu. Cần rửa thật sạch các loại lá này trước khi dùng và cần sử dụng kiên trì trong một khoảng thời gian dài thấy được hiệu quả. Tuy nhiên, đây chỉ là phương pháp hỗ trợ, cha mẹ vẫn cần cho bé sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Da khô chính là một trong những triệu chứng điển hình của bệnh. Vì vậy, cha mẹ nên dưỡng ẩm cho da bé hàng ngày bằng sau khi tắm và trước khi đi ngủ, cũng như sử dụng máy tạo ẩm để tạo độ ẩm dễ chịu trong nhà.

6. Chăm sóc trẻ bị viêm da cơ địa

Như đã nói ở trên, phần lớn trường hợp viêm da cơ địa ở trẻ em sẽ khỏi khi bé được 2 tuổi. Tuy nhiên, để tránh dẫn đến các biến chứng sau này cũng như để bệnh được chữa khỏi hoàn toàn, có một số lưu ý dành cho cha mẹ khi chăm sóc các bé như:

  • Tắm nước ấm cho trẻ thường xuyên, hàng ngày. Tuy nhiên chỉ nên tắm trong vòng 5 phút. Cha mẹ nên sử dụng các loại sữa tắm dịu nhẹ, lành tính cho da, nếu được có thể sử dụng các loại sữa tắm chuyên dụng cho trẻ bị viêm da cơ địa.
  • Dưỡng ẩm cho da bé mỗi ngày kể cả ở những vùng da không bị tổn thương.
  • Hướng dẫn trẻ không gãi hoặc chà vào vùng da bị viêm. Đeo bao tay, tất chân cho các bé sơ sinh khi đi ngủ để tránh việc các trẻ khó chịu chà xát vào vùng da bị bệnh. Đồng thời, nên thường xuyên cắt móng tay, móng chân cho trẻ để giảm nhiễm trùng khi trẻ vô tình làm trầy xước da. Cha mẹ cũng có thể băng vùng da tổn thương lại để bảo vệ da và hạn chế trầy xước.
  • Cha mẹ nên chủ động tìm hiểu thêm các thông tin về bệnh như cách chăm sóc trẻ, những gì cần tránh cũng như các loại thực phẩm không tốt cho tình trạng da của trẻ.

7. Phòng ngừa viêm da cơ địa ở trẻ em

Viêm da cơ địa rất dễ khởi phát khi chịu tác động bởi các yếu tố môi trường. Vì vậy, để phòng ngừa bệnh cho bé, cha mẹ có thể áp dụng một số cách như:

  • Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn để có hệ miễn dịch khỏe mạnh trong 6 tháng đầu đời
  • Giữ vệ sinh nhà cửa, đặc biệt là khu vực phòng ngủ của trẻ
  • Tắm cho trẻ mỗi ngày bằng cách loại sữa tắm lành tính cho da
  • Thoa kem dưỡng ẩm cho trẻ hàng ngày, đặc biệt vào mùa đông
  • Chú ý và loại bỏ các loại thực phẩm dễ gây dị ứng khỏi khẩu phần ăn của trẻ
Nên thoa kem dưỡng ẩm cho trẻ hàng ngày, đặc biệt vào mùa đông
Nên thoa kem dưỡng ẩm cho trẻ hàng ngày, đặc biệt vào mùa đông

Tuy viêm da cơ địa không gây nguy hiểm nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ nhưng nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách, nó có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng. Vì vậy, cha mẹ nên chú ý đến tình trạng da của trẻ và đưa trẻ đi khám và điều trị ngay để có thể chữa dứt điểm bệnh và ngăn ngừa tái phát.

Nếu bạn cần biết thêm bất kỳ thông tin gì, liên hệ với các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực da liễu qua hotline 082 9912 888 hoặc nhắn tin Zalo/Facebook!

5/5 - (1 bình chọn)
Sản phẩm liên quan

Đặt câu hỏi

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *